CÔNG NGHỆ ĐÚC KHUÔN
Đúc khuôn là một công nghệ chế tạo các sản phẩm có hình dạng phức tạp. Sử dụng phương pháp rót các vật liệu lỏng đổ vào khuôn có chứa một khoang có hình dạng theo khuôn mẫu. Sau khi đông đặc, phôi được lấy ra khỏi khuôn để xử lý hoàn thiện các giai đoạn tiếp theo. Công nghệ này có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như chế tạo các chi tiết máy, những linh kiện nhỏ phức tạp, các phương tiện giao thông vận tải, dầu khí, trang sức, ...
Ngày nay có nhiều công nghệ đúc khuôn có tính cải tiến và mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi cần phải có nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng. Một số phương pháp đúc khuôn phổ biến như công nghệ đúc khuôn cát tươi, công nghệ đúc khuôn cát khô, công nghệ đúc Furan, đúc khuôn chân không, ...
SỰ CHUYỂN THỂ CỦA CÁC CHẤT
Dựa vào hiện tượng vật lý, sự chuyển thể của các chất mà người ta tạo ra công nghệ đúc khuôn. Hiện tượng này rất gần gũi trong đời sống và chúng ta có thể bắt gặp xung quanh. Giữa chất lỏng và chất rắn có các quá trình chuyển thể như quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của các chất được gọi là sự nóng chảy. Quá trình chuyển ngược lại từ thể lỏng sang thể rắn của các chất gọi là sự đông đặc.
TẠI SAO CẦN CHỌN KHUÔN ĐÚC LỚN HƠN KÍCH THƯỚC VẬT?
Công nghệ đúc khuôn áp dụng quá trình đông đặc của các chất. Chất rắn có sự co dãn vì nhiệt, chất rắn nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi. Do đó, sau khi khuôn nguội đi, kim loại trong khuôn sẽ co lại. Nếu ta chọn khuôn có kích thước đúng bằng kích thước vật cần đúc, thì khi kim loại nguội, kích thước vật cần đúc sẽ nhỏ hơn. Làm sai lệch kích thước ban đầu mà ta mong muốn.
Thực trạng ngày nay nguồn nhân lực cho ngành đúc khá hạn chế, vì những tính chất độc hại đặc thù của nó, những phụ gia, hơi thép, kim loại kèm theo rất độc ảnh hưởng đến sức khỏe người thợ, vì lẽ đó khi thực hiện đúc phải trang bị bảo hộ, đảm bảo an toàn lao động cho người thợ.
Sưu tầm và biên tập: Ngọc Hà.