CÔNG NGHỆ SƠN TĨNH ĐIỆN
Công nghệ sơn tĩnh điện (Electro Static Powder Coating Technology) là công nghệ hiện đại được phát minh bởi TS. Erwin Gemmer vào đầu thập niên 1950 và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất, thay thế công nghệ cũ. Công nghệ sơn tĩnh điện ngày càng được cải tiến về chất lượng, giúp hạ giá thành sản phẩm và giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Công nghệ sơn tĩnh điện không chỉ có những ưu điểm về kinh tế mà còn đáp ứng được về vấn đề môi trường cho hiện tại và tương lai vì tính chất không có chất dung môi của nó. Do đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trong không khí và trong nước hoàn toàn không có như ở sơn nước.
NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA SƠN TĨNH ĐIỆN
Bề mặt sản phẩm và các hạt sơn được nối với hai điện cực trái dấu của nguồn điện một chiều, do đó chúng được tích điện trái dấu. Theo nguyên lý tương tác giữa hai loại điện tích, vật mang điện tích dương (+) sẽ luôn hút hạt mang điện tích âm (-). Khi các hạt sơn được bắn vào, tiếp xúc với bề mặt sản phẩm thì lực tĩnh điện (lực Coulomb) hút chúng gắn chặt với nhau và gắn chặt với bề mặt sản phẩm. Kết quả là lớp sơn tĩnh điến sẽ bền chắc và mịn bóng hơn so với các phương pháp sơn khác.
LỊCH SỬ SƠN TĨNH ĐIỆN
Từ đầu thập niên 1950, Erwin Gemmer đã nghiên cứu nguyên tắc phủ sơn bằng hợp chất hữu cơ (Organic Polymer) dạng bột đã gia nhiệt và phủ lên bề mặt kim loại. Nhưng đến năm 1964 thì quy trình sơn tĩnh điện (Electrostatic Powder Spray) mới thành công và được thương mại hóa rồi đưa vào sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
Nhờ sự cải tiến của các nhà khoa học và các nhà sản xuất về cách chế biến bột sơn đã giúp cho ngành gia công sơn tĩnh điện ngày càng hoàn chỉnh về chất lượng và mẫu mã tốt hơn.
CÁC LOẠI SƠN TĨNH ĐIỆN
Có hai loại sơn tĩnh điện là sơn khô (sơn bột) và sơn nước (sử dụng dung môi).
Sơn khô (sơn bột)
- Ưu điểm: phần bột sơn không bám được vào sản phẩm sẽ được thu hồi (trên 95%) để tái sử dụng, tiết kiệm chi phí và ít gây ô nhiễm môi trường.
- Nhược điểm: chỉ sơn được các sản phẩm kim loại.
Sơn nước (sử dụng dung môi).
- Ưu điểm: có thể sơn được cả sản phẩm kim loại, nhựa, gỗ, ...
- Nhược điểm: lượng dung môi bám vào sản phẩm không được thu hồi, gây ô nhiễm môi trường và chi phí cao.
Sưu tầm và biên tập: Ngọc Hà.