MIỆT MÀI NGHIÊN CỨU VÀ CỐNG HIẾN
Từ năm 1815, Michael Faraday bắt đầu dốc toàn tâm vào nghiên cứu khoa học. Bấy giờ, ông đã thành thạo, hiểu rõ các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm. Để phục vụ cho những phát minh, ông sưu tầm các loại tài liệu cần thiết, tổng hợp và phát triển lý thuyết phục vụ cho việc nghiên cứu, tiến hành hàng loạt thí nghiệm. Thậm chí, nhiều thí nghiệm có thể gây nguy hiểm cho chính tính mạng của bản thân.
Sau nhiều lần thí nghiệm và kiểm tra, ngày 24/11/1831, Faraday công bố trước Hội Hoàng gia London phát hiện của mình về hiện tượng cảm ứng điện từ, đồng thời trình bày thí nghiệm về cách tạo ra dòng điện cảm ứng. Thí nghiệm gồm một cái đĩa bằng đồng quay giữa một thanh nam châm chữ U và thu được dòng điện ổn định hơn pin Volta. Thí nghiệm này lập tức làm chấn động dư luận nước Anh, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Điện Từ học và lịch sử kỹ thuật.
Thí nghiệm hiện tượng cảm ứng điện từ. Ảnh: Oxford Science Archive/Getty Images.
Cái đĩa đồng quay trong nam châm thực sự là máy phát điện dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, nhưng dòng điện quá yếu, chỉ phát hiện bằng điện kế cực nhạy. Một hôm, Viên Bộ trưởng tới thăm phòng thí nghiệm đã hỏi đùa: “Bao giờ ngài có thể cho tôi đánh thuế chiếc máy của ngài?”. Câu hỏi xoáy đúng vào điều Faraday đang trăn trở: "Bao giờ điện có thể mang lại lợi ích thiết thực cho con người?” Nhà bác học trở về mang theo niềm tâm sự bức xúc đó.
FARADAY VÀ CHIẾC BÁNH GATO
Trong khi vợ làm món bánh gato mà ông ưa thích, Faraday trầm ngâm. Nguyên tắc thì đã rõ: hoặc di chuyển thanh nam châm trong cuộn dây, hoặc di chuyển cuộn dây trong nam châm, nhưng không thể tạo ra cuộn dây dài vô tận để dòng điện đủ mạnh được. Nếu không giải quyết được nút thắt đó thì thí nghiệm đó chỉ là một trò chơi. Nhìn vào đĩa bánh vừa đưa ra, nếm một miếng, ông chợt ngừng nhai, nhìn trân trân vào đó rồi nói: "Này em, hình như anh tìm ra lời giải rồi".
Trước sự ngạc nhiên của vợ, ông mỉm cười: “Anh đang nghĩ về nguyên tắc máy phát điện bằng cảm ứng điện từ có thể sử dụng trong thực tế mà chưa tìm ra, nhưng chính em vừa gợi ý cho anh rất tài tình. Em hãy tưởng tượng nếu các miếng bánh là các thanh nam châm lần lượt hướng theo các cực khác tên nhau ra ngoài, bên ngoài là những cuộn dây đồng gắn lên vành tròn. Khi ta quay đĩa, xuất hiện dòng điện trong các cuộn dây. Chỉ việc tăng giảm số lượng thanh nam châm và tốc độ quay, ta sẽ thu được dòng điện mạnh tới bao nhiêu cũng được”. Sau đó, ông đã trở lại phòng thí nghiệm, cặm cụi suốt đêm để cho ra đời chiếc máy phát điện đầu tiên của nhân loại.
Mô hình máy phát điện đầu tiên do Faraday phát minh. Ảnh: Internet
Faraday ra đi để lại cho toàn nhân loại một phát minh bất tử, một phát minh mang tính bản lề cho mọi phát minh của loài người sau này. Như lời nhà khoa học Helmholtz người Đức đã nói: “Chừng nào loài người còn sử dụng đến điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday”. “Hãy làm việc và suy nghĩ ngay cả khi chưa tìm thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao như vậy vẫn còn hơn là ngồi không”.
Bích Phương sưu tập, có chỉnh sửa bổ sung.
Nguồn: Vật lý hỏi và đáp - NXB Đại học quốc gia
Tác giả: Nguyễn Hữu Thọ