BẢO VỆ RĂNG THEO LỜI KHUYÊN BÁC SĨ
Hàm răng là bộ phận mà chúng ta nên có cách bảo vệ đúng nhất để không có những hệ lụy khác liên quan đến sức khỏe. Bảo vệ răng miệng là lời khuyên quen thuộc mà chúng ta được nghe từ lúc bé. Chế độ chăm sóc răng hợp lý được bác sĩ khuyên như sử dụng kem đánh răng, các loại bàn chải, thực phẩm ăn uống đúng với tiêu chuẩn quy định của nha khoa. Nếu như chăm sóc răng miệng không đúng cách cũng sẽ dẫn đến các bệnh như: bệnh tiêu hóa, đau đầu, viêm xoang, tiểu đường, lão hóa sớm …
CẤU TẠO RĂNG
Từ xa xưa ông bà ta đã có câu: “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Răng, tóc luôn là thứ quý giá qua đó thể hiện tính cách của một con người. Răng là phần đầu tiên trong hệ tiêu hóa có một cấu trúc đặc biệt, cứng nhất cơ thể thường có màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, nó có nhiệm vụ cắt xé nghiền thức ăn khi nhai.
Cấu tạo của răng đi từ ngoài vào trong, men răng là lớp bao phủ bên ngoài răng và tạo nên độ cứng chắc khỏe cho thân răng. Ngà răng nằm ở phía trong và mềm hơn, có tính đàn hồi cao, xốp và tạo nên hình dạng cơ bản của răng. Tủy răng là một tổ chức liên kết đặc biệt chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu nằm trong một hốc giữa ngà răng.
TẠI SAO KHÔNG NÊN ĂN THỨC ĂN QUÁ NÓNG HOẶC QUÁ LẠNH?
Theo nguyên lý dãn nở vì nhiệt của chất rắn, chất rắn nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi. Men răng là lớp ngoài, cứng giòn và dễ vỡ. Khi ta ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, sẽ khiến cho men răng dãn nở không đều, khi nóng hoặc lạnh quá đột ngột, men răng sẽ bị rạn nứt dẫn đến răng dễ bị hỏng, sâu răng.
Việc ăn nóng rồi lập tức uống lạnh sẽ tạo ra sự sốc nhiệt. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, ảnh hưởng tới cổ họng. Chúng ta nên hạn chế tối đa uống nước hoặc ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh. Thay vào đó, nước ấm hoặc nước mát, đồ ăn có độ nóng lạnh vừa phải là an toàn cho sức khỏe.
Sưu tầm và biên tập: Ngọc Hà.